Phương pháp Storytelling – 1 kỹ năng mà mọi Blogger cần có

Phương pháp Storytelling

Mình chắc chắn đã có lần bạn được rủ đi chơi với hội bạn thân với lời mời gọi: “Đi đi, tao có chuyện chấn động lắm phải kể mới chịu được”. Mình tin 80% trường hợp các bạn sẽ nhận lời ngay với mục đích là nghe kể chuyện. 

Tâm lý con người thích được “nghe” kể chuyện, có thể qua nhiều hình thức khác nhau như ngôn từ hình ảnh hoặc lời nói. Mình nhận thấy rằng, những bài viết hay video chứa đựng câu chuyện sẽ lôi cuốn và lan tỏa mạnh hơn nhiều so với content chỉ mang tính chất đưa ra thông tin. 

Là một người viết blog cá nhân, nắm vững nghệ thuật kể chuyện – phương pháp storytelling là cách giúp bạn “đi đường tắt” đến cảm xúc của người đọc. 

Trong bài viết này, Kiến tạo khởi nghiệp trẻ sẽ đưa bạn tìm hiểu sâu về phương pháp storytelling và cách blogger nên làm để có thể kể câu chuyện của bản thân một cách hấp dẫn nhất.

Nội dung chia sẻ

Phương pháp Storytelling là gì?

Theo từ điển Oxford, phương pháp storytelling có nghĩa là hành động viết hoặc kể một hay nhiều câu chuyện. Trong marketing, phương pháp storytelling không đơn thuần chỉ là “kể chuyện”, nó còn là nghệ thuật tạo ra, phát triển và lan tỏa câu những câu chuyện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới thương hiệu/sản phẩm của nhãn hàng. 

Với bạn, một người đã, đang và sẽ làm blogger, marketing cho bản thân qua những câu chuyện gắn liền với bạn là cách bạn đưa giá trị của bạn đến gần với người đọc. Keyword của phương pháp storytelling là “kết nối cảm xúc” vậy nên xây dựng giá trị cốt lõi qua phương pháp storytelling là điều mà một blogger nên làm để độc giả hiểu bạn, “thương” bạn và ủng hộ bạn.

Xem thêm: Mô hình AIDA trong viết content

Tại sao phương pháp storytelling quan trọng với người viết blog?

Trước tiên, phương pháp storytelling quan trọng với tất cả mọi người. 

Hãy tưởng tượng, bạn đang được lắng nghe một người thuyết trình, bạn sẽ thích những câu chuyện được lồng ghép trong đó hay chỉ là những kiến thức khô khan? Bạn sẽ nhớ một người kể một câu chuyện đặc biệt hay một người cung cấp thông tin như một cái máy?

Bạn có biết blog nghĩa là gì?blogger là gì không? Đơn giản, blogger là người tạo sự ấn tượng bằng ngôn từ vậy nên làm chủ phương pháp storytelling sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trang blog cá nhân của bạn.

Quảng bá thương hiệu cá nhân

Cách bạn kể những câu chuyện về mình sẽ cho thấy bạn là ai. Đằng sau câu chuyện, nó sẽ là con người của bạn, tính cách của bạn, chuyên môn của bạn hay cuộc sống của bạn. Độc giả ấn tượng về bạn như thế nào là do câu chuyện bạn tự kể về mình. Hãy nói về mình trước khi người đọc nhớ về bạn bằng một câu chuyện của người khác.

Nhắc đến Jack Ma, mình và cả bạn nữa chắc chắn nhớ đến người sáng lập Alibaba với câu chuyện một người đàn ông Trung Quốc nhỏ bé đã từng bị từ chối hơn 30 lần khi đi xin việc và quá trình nỗ lực bền bỉ để tạo nên được Alibaba lớn mạnh như ngày hôm nay.

Bạn không cần phải nổi tiếng như Jack Ma mới bắt đầu kể về mình. Kể và lặp lại câu chuyện của mình, những người đồng cảm sẽ tìm đến bạn. 

Kết nối với cảm xúc người đọc

Tiếp nối ví dụ mình nói về Jack Ma ở trên, tại sao mọi người lại ấn tượng với câu chuyện đó đến như vậy? Đó là bởi vì nó chạm đến nhiều cảm xúc của nhiều người.

Họ hiểu cảm giác thất vọng của Jack Ma khi bị từ chối vì họ đã từng như vậy.

Họ ngưỡng mộ Jack Ma khi ông sáng lập ra Alibaba với quá khứ như vậy.

Họ khao khát được như Jack Ma vì họ cảm thấy xuất phát điểm của mình giống ông ấy.

Từ những cảm xúc trên, họ như cảm thấy có sợi dây kết nối vô hình.

Phương pháp storytelling sẽ khơi gợi được những cảm xúc mãnh liệt ẩn sâu trong độc giả của bạn. Từ những sự đồng điệu ấy, câu chuyện của bạn sẽ dẫn dắt cảm xúc đi đến những hành động tiếp theo.

Tạo dựng sự trung thành với độc giả

Như đã nói, bạn sẽ lôi kéo độc giả nếu bạn kể chuyện hay. Câu chuyện của bạn sẽ khiến người đọc tò mò về cuộc sống của bạn, họ muốn đọc thêm những bài viết với mong muốn thỏa mãn cảm xúc bạn đã tạo ra cho họ. Nhờ cách này, bạn sẽ luôn có một lượng người đọc ổn định, trung thành.

Xem thêm: Mần mò viết blog ra tiền

Cách sử dụng phương pháp storytelling thuần thục

Nói về nghệ thuật kể chuyện, trước khi bàn đến các quy tắc thì hãy nhớ rằng bạn phải kể những câu chuyện THẬT diễn ra trong cuộc sống của bạn. Không bàn đến việc bạn lập blog để sáng tác chuyện, nếu bạn sử dụng blog cá nhân để chia sẻ, một câu chuyện thật mới có thể chạm đến cảm xúc người đọc.

Xem thêm: Sự kỳ diệu của nghệ thuật kể chuyện

Dưới đây mình sẽ phân tích kỹ hơn về một phương pháp kể chuyện được ứng dụng trong Marketing được gọi là G.R.E.A.T và bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó trong câu chuyện của mình.

G – GLue: Sự gắn kết

Gắn câu chuyện THẬT của bạn với thực tế của mọi người. Ở đây mình tiếp tục nhấn mạnh đến chữ THẬT. Người đọc sẽ lắc đầu ngán ngẩm trước những câu chuyện bịa của bạn vì họ đủ thông minh để biết được rằng bạn có đang nói thật hay không. 

R – Reward: Phần thưởng

Sẽ thật tuyệt vời khi bạn kể một câu chuyện có phần thưởng hoặc thành công theo một khía cạnh nào đó. Người đọc sẽ luôn muốn đọc câu chuyện với cái kết có hậu hoặc rút ra một bài học cụ thể. Những gì có giá trị tích cực sẽ thu hút được độc giả.

E – Emotion: Cảm xúc

Sự khác nhau giữa kiến thức và câu chuyện kiến thức đó là cảm xúc chứa đựng trong bài viết. Một câu chuyện hay sẽ khơi gợi được tình cảm ẩn sâu bên trong người đọc. Đừng chỉ kể rằng hôm nay tôi bị ốm, hãy miêu tả nhiều hơn về cảm giác mệt mỏi của bạn, về trạng thái bạn đang trải qua. Đó mới chính là yếu tố tác động thẳng đến cảm xúc mọi người. Nếu như những cảm xúc của bạn không thể thể hiện hết bằng câu chữ khô khan thì bạn hoàn toàn có thể thể hiện nó qua những blog icon, điều này không chỉ tạo hiệu ứng độc đáo cho bài viết của bạn mà còn tạo sự gần gũi và đồng cảm đối với người đọc.

A – Authentic: Sự chân thật

Đừng tô vẽ hay làm màu cho câu chuyện của bạn. Người đọc luôn rất nhạy cảm và họ sẽ quay lưng lại với bạn nếu họ phát hiện ra mình bị lừa. Giá trị cốt lõi nằm tại sự thật chứ không phải những câu từ bịa đặt.

T – Target: Mục tiêu

Mình có nghe được một câu rất hay đó là: “Một câu chuyện dành cho tất cả mọi người có nghĩa là nó không dành cho ai cả.”

Câu chuyện bạn viết ra chắc chắn không phải ai cũng thích đọc, vậy nên hãy xác định trước đối tượng ngay trước khi bạn bắt đầu viết sẽ giúp bạn dễ dàng viết “trúng” ngay từ đầu.

Đọc thêm:Visual content là gì? Xu hướng visual content năm 2023

Kết luận

Bài viết này nói về cách ứng dụng phương pháp storytelling vào việc viết blog. Có thể phương pháp storytelling không phải hướng đi trên trang blog của bạn nhưng thêm thắt một vài câu chuyện sẽ giúp người đọc nhận diện bạn rõ ràng hơn. Kiến tạo khởi nghiệp trẻ hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có được một phương pháp viết mới áp dụng hợp lý và hiệu quả trên trang cá nhân của bạn. 

Nếu bạn muốn lập blog nhưng chưa có kế hoạch cụ thể, bạn hãy ĐĂNG KÝ ngay để nhận tư vấn MIỄN PHÍ nhé!

Linh Chi

5/5 - (1 bình chọn)

Đã đăng ký